top of page

POST-MATCH ANALYSIS: CHELSEA 0-2 LIVERPOOL

  • An Vũ
  • 1 thg 10, 2020
  • 6 phút đọc

Đã cập nhật: 16 thg 3, 2021

Trận cầu tâm điểm của vòng 2 EPL vừa rồi chắc chắn sẽ là màn đụng độ giữa Liverpool - những nhà vô địch của nước Anh và Chelsea - một đội bóng giàu sự tươi mới, với các sự bổ sung chất lượng từ khắp các tuyến. Liệu các tân binh như Kai Havertz hay Timo Werner có thể giúp Chelsea khuất phục Lữ đoàn đỏ?


ĐỘI HÌNH RA QUÂN


Chelsea ra sân với đội hình 4-3-3, với một vài sự thay đổi từ sau chiến thắng trước Brighton hồi đầu tuần. Timo Werner được kéo ra phía cánh trái, và Kai Havertz được trả về trung lộ để đá như một tiền đạo ảo. Sự trở lại của Kovacic giúp Chelsea có một bộ ba tiền vệ chắc chắn hơn trận đấu trước. Còn về hàng phòng ngự, bộ tứ vệ và Kepa vẫn được giữ nguyên. Về phía Liverpool, họ đón chào sự trở lại của Wijnaldum, trong khi Jurgen Klopp gây bất ngờ khi kéo Fabinho xuống đá cặp trung vệ với Virgil van Dijk.



CHELSEA: QUÁ ĐEN!


Công bằng mà nói, Chelsea đã có một trận đấu khá tốt với Liverpool. Nhiều fan hâm mộ của True Blues cũng phải thừa nhận rằng tuy phải nhận một thất bại, song Chelsea đã đá tốt hơn hẳn so với trận đấu với Brighton, đặc biệt là ở hiệp đấu thứ nhất.


Trước một Liverpool có sức mạnh tấn công bùng nổ, đội nhà rõ ràng sẽ phải chủ động chơi phòng ngự phản công. Tuy ra sân với sơ đồ 4-3-3, nhưng trên thực tế đoàn quân của HLV Frank Lampard thường phòng ngự theo sơ đồ 4-1-4-1.



Mount và Werner thường lùi rất sâu để hỗ trợ việc phòng ngự: Rõ ràng Chelsea nhận thức được hai bên cánh là điểm mạnh nhất của Liverpool. Điều này khiến cho Mane và Salah có khá ít đất diễn trong 45 phút đầu tiên.


Khi bóng được chuyền tới chân một tiền vệ Liverpool, một trong các tiền vệ Chelsea sẽ lao ra gây sức ép khiến đối phương phải chuyền dài hoặc chuyền về. Giải pháp này khá hiệu quả, khi LIverpool có tới 7 cú sút ở hiệp 1, song không có cơ hội nào thực sự quá nguy hiểm ngoài tình huống băng ra sai lầm của Kepa


Jorginho lao lên rất nhanh khi bóng chuẩn bị tới chân Henderson.


Trong 45 phút thi đấu đầu tiên, hàng phòng ngự của Chelsea thi đấu tương đối tốt khi đội bóng áo xanh chủ động co cụm và kéo thấp đội hình, hạn chế bị đánh úp bởi tốc độ của Mane và Salah. Zouma thi đấu khá tập trung, tuy đôi khi còn bị cuống bởi những tình huống áp sát của đối thủ khi bóng đến chân, và cho thấy khả năng chuyền thoát pressing yếu kém của mình. Christensen thi đấu tập trung và tỉnh táo hơn, và là người phát động bóng dài chính của đội bóng áo xanh.


Tuy nhiên, bước ngoặt của trận đấu tới sau chiếc thẻ đỏ khá vô duyên của chính trung vệ người Đan Mạch. Sang hiệp 2, do bất lợi về quân số, Chelsea đã không thể thoải mái triển khai lối chơi pressing của mình nữa. Lampard buộc phải rút Kai Havertz ra, kéo thấp đội hình tạo thành khối low-block. Điều này vô tình làm khó Chelsea khi mà Thiago - nguồn sáng tạo chính bên phía Liverpool lại không nhận được sự “chăm sóc” cần thiết. Có những tình huống, không có một cầu thủ Chelsea nào trong vòng bán kính...10m khi mà tiền vệ người TBN có bóng.



Chelsea hiệp 2 phòng ngự đặc biệt chặt chẽ ở hai cánh, khi họ liên tục cố gắng áp đảo đối thủ về số lượng mỗi khi Liverpool có bóng ở hai biên. Các tiền vệ đá lệch cánh cũng như các tiền đạo sẽ lùi về hỗ trợ tối đa cho việc phòng ngự, tạo ra thế 3 đánh 2 với các cầu thủ Liverpool.


Về khoản tấn công, Chelsea chỉ thực sự nổi bật ở khoảng 15 phút cuối hiệp 1. Frank Lampard có lẽ muốn áp dụng sơ đồ 4-4-2 khi tấn công, khi mà Werner rất thường xuyên kéo vào trong để tạo thành cặp trung phong với Havertz. Trận này, Kai Havertz được xếp đá số 9 ảo, nhưng sự kèm cặp quá tốt của Van Dijk và Fabinho khiến tân binh số 29 không thực sự nổi bật. Song, anh vẫn có khá nhiều tình huống phối hợp đáng chú ý, đặc biệt là với Timo Werner.



Pha bứt tốc tốt của Havertz, tạo ra cơ hội tương đối nguy hiểm bên cánh trái cho Chelsea


Về phía Timo Werner, tiền đạo người Đức là nhân tố chính trên hàng công The Blues nhờ vào tốc độ và khả năng đánh hơi khoảng trống



Anh rất tích cực cut inside mỗi khi có bóng, và một trong những tình huống như vậy đã khiến Thiago phải phạm lỗi với số 11 của Chelsea.


Tuy nhiên, vấn đề nan giải với Chelsea có lẽ vẫn là khả năng sáng tạo, nhất là ở hàng tiền vệ. Mặc dù Timo Werner thường có những đường chạy rất sáng, song các cầu thủ Chelsea không phải lúc nào cũng nhìn ra những đường chạy đó.

Một pha bóng mà thay vì chọc khe cho Werner đang bứt tốc, Alonso lại chuyền về cho Kovacic.


Mason Mount đã cho thấy mình không phải là một lựa chọn thực sự tối ưu về mặt tấn công khi đá cánh, khi tốc độ và sự đột biến ngoài biên của tiền vệ từ lò đào tạo Chelsea là không thực sự tốt. Ví dụ điển hình cho điều này là tình huống khiến nhiều fan Chelsea ức chế đầu trận, khi thay vì sút thẳng hoặc chuyền vào cho Werner thì anh quyết định chuyền cho...Kante, làm lỡ mất một cơ hội nguy hiểm của đội nhà. Còn Kante, anh cho thấy rằng mình vẫn “không biết tấn công”. Tiền vệ người Pháp luôn lóng ngóng khi có bóng ở khu final third, khiến nhiều cơ hội ngon ăn bị bỏ lỡ đáng tiếc.


Mount hoàn toàn có thể sút bóng hoặc nhả bóng sang cho Werner đang chạy cắt mặt vào trong, nhưng anh lại quyết định chuyền cho Kante ở bên cánh



Sự lóng ngóng của tiền vệ người Pháp tạo cơ hội cho hàng thủ Liverpool nhanh chóng rút về, khiến cơ hội trôi qua đáng tiếc.


LIVERPOOL: BẢN LĨNH NHÀ VÔ ĐỊCH


Liverpool đã triển khai thế trận pressing rất bài bản trước Chelsea. Khi các trung vệ Chelsea có bóng, Mane và Salah sẽ ngay lập tức di chuyển áp sát, đồng thời chặn đường chuyền ra hai hậu vệ cánh, trong khi Firmino sẽ theo kèm Jorginho. Điều này khiến việc chuyền bóng trở nên cực kì khó khăn, và các trung vệ của họ sẽ buộc phải chuyền dài, hoặc phá bóng. Nếu bóng được chuyền về cho Kepa, các cầu thủ cánh của đội khách sẽ chạy vào trong để áp sát thủ thành người TBN - một đường bóng như vậy đã dẫn tới bàn thắng thứ 2 của Liverpool. Nếu các tiền vệ áo xanh lùi sâu để nhận bóng, một trong những tiền vệ của Liverpool sẽ lao ra khỏi khối phòng tuyến giữa sân và áp sát ngay lập tức để hạn chế tối đa thời gian Kovacic và Kante được cầm bóng. Ở hai cánh, sức mạnh của Werner và Mount cũng bị giảm đi đáng kể vì sự cẩn trọng của Robertson và Alexander-Arnold.



Tình huống pressing điển hình của The Kop: Mane sẵn sàng áp sát Christensen, Salah chạy bó vào trong để thu hẹp đường chuyền của Zouma, Firmino thì kèm Jorginho, và khi Kovacic chạy về thì ngay lập tức Keita chạy theo để bám sát cầu thủ người Croatia.


Ở hàng hậu vệ, Fabinho đã có một ngày thi đấu quá sức thuyết phục ở vị trí trung vệ, khi anh đã góp phần rất nhiều trong việc kiểm tỏa Kai Havertz cũng như phần nào đó là Timo Werner. Van Dijk thì vẫn chứng tỏ mình là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất thế giới, và điều này thực sự gây khó cho Chelsea.


Về mặt tấn công, Liverpool vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đôi cánh Mane-Salah. Tuy nhiên, ở hiệp 2, khi có lợi thế về quân số và Thiago được tung vào sân, thế trận tấn công của Liverpool được biến hóa lên rất nhiều. Họ liên tục đảo bóng giữa hai cánh với tân binh người Tây Ban Nha đóng vai trò làm trạm trung chuyển giữa hai cánh, khiến cho Chelsea rất khó phòng ngự, dẫn tới việc hai trung vệ bị kéo ra quá rộng, tạo khoảng trống ở phía trong cho các cầu thủ áo đỏ đột nhập, với bàn thắng của Mane là một ví dụ điển hình.


Có tới 3 cầu thủ Chelsea trước mặt Salah, nhưng sự kèm cặp không hiệu quả của họ buộc Zouma phải kéo ra cánh để bọc lót, tạo khoảng trống cho Mane đánh đầu ghi bàn.

TỔNG KẾT


Tựu chung lại, tỉ số 2-0 không thể phản ánh được chính xác và toàn diện một thế trận cân bằng và hấp dẫn giữa hai bên. Tuy nhiên, bóng đá là một môn thể thao tàn nhẫn, và chỉ một sai lầm cũng sẽ có thể khiến bạn phải trả giá, chứ chưa nói gì tới ba tình huống như vậy chỉ trong chưa đầy 45 phút. Dù sao, người hâm mộ Chelsea vẫn hoàn toàn có quyền mơ về tương lai tươi sáng hơn.


Comments


bottom of page