Phân tích trận đấu: Manchester City vs Leicester - vòng 3 Premier League 2020/21
- Daryl Thai Dao
- 3 thg 10, 2020
- 12 phút đọc
Chỉ chưa đầy một tháng trước, UEFA Champions League vẫn đang diễn ra tại Lisbon và người ta lại một lần nữa được thấy thói quen quá nghĩ của Pep Guardiola phản tác dụng và khiến Manchester City thất thủ trước một Olympique Lyonnais phòng ngự kín kẽ ở phần sân nhà. Cũng trong trận đấu đó, đội bóng Pháp đã tận dụng triệt để hàng phòng ngự dâng cao của Man City và liên tục tấn công vào khoảng trống phía sau lưng của Eric García và Aymeric Laporte.
Một tháng sau, đoàn quân của Pep Guardiola chào đón một Leicester City đang tỏ ra hưng phấn sau khi giành được hai chiến thắng thuyết phục trước West Brom và Burnley ở hai vòng đấu đầu tiên của mùa giải Premier League mới. Một điểm đáng chú ý chính là Rodgers chưa bao giờ giành chiến thắng trong những cuộc đối đầu với đồng nghiệp người Tây Ban Nha ở bên kia chiến tuyến.
Thế nhưng, Man City lại là đội yếu thế hơn sau hơn nửa giờ đồng hồ thi đấu khi mà đối thủ của họ liên tiếp tận dụng vấn đề đã khiến cho chuyến hành trình tại Lisbon của họ phải dừng lại một cách đáng tiếc. Và bài viết này sẽ phân tích vì sao Leicester có thể áp đảo Man City trong những tình huống phản công và buộc các hậu vệ của đối thủ phải mắc lỗi để đem về sân King Power ba điểm trọn vẹn.
Đội hình xuất phát
Man City nhập cuộc trận đấu với Leicester mà không có được sự phục vụ của rất nhiều trụ cột của họ. Với việc Sergio Agüero không thể góp mặt vì chấn thương của anh, Raheem Sterling một lần nữa được lựa chọn để thi đấu ở vị trí trung phong và tài năng trẻ Liam Delap có lần đầu tiên được góp mặt trên băng ghế dự bị trong một trận đấu Premier League. Bộ đôi người Bồ Đào Nha Bernardo Silva và João Cancelo cũng không có tên trong danh sách thi đấu bởi những chấn thương, và Phil Foden và Kyle Walker là hai cái tên sẽ trám vào vị trí mà cả hai cầu thủ người Bồ thường xuyên thi đấu.
Đội hình ra sân của Man City có sự thay đổi đáng chú ý sau khi David Silva rời đội bóng sau quãng thời gian dài gắn bó với đội chủ sân Etihad. Guardiola đã lựa chọn thi đấu với bộ đội tiền vệ trụ Fernandinho và Rodrigo Hernández thay vì chỉ một như ở những mùa giải trước. Họ sẽ hỗ trợ Kevin de Bruyne trong giai đoạn tổ chức tấn công và đồng thời phân phối bóng cho cả Mahrez hoặc Sterling ghi bàn.

Thiếu vắng Wilfried Ndidi chắc chắn sẽ là một vấn đề lớn cho đoàn quân của Rodgers khi mà anh đóng vai trò cực kì quan trọng trong hai năm qua. Điều đó đồng nghĩa với việc Nampalys Mendy sẽ trám vào vị trí mà tuyển thủ người Nigeria để lại, và anh thi đấu cặp với Youri Tielemans trong hàng tiền vệ bốn người của Leicester.
Một cầu thủ quan trọng khác cũng vắng mặt trong những trận đấu gần đây của Leicester là Ricardo Pereira khi mà tuyển thủ người Bồ Đào Nha tiếp tục giai đoạn hồi phục của mình sau khi gặp phải chấn thương dây chằng. Nhưng với một hậu vệ cánh đa năng như James Justin và một hậu vệ cánh tấn công như Timothy Castagne, Rodgers không cần phải tỏ ra quá lo lắng về sự vắng mặt của Pereira.

Ý đồ kiểm soát khoảng trống của Man City
Không quá bất ngờ khi mà ngay từ những phút đầu tiên của trận đấu, Man City ngay lập tức dâng cao đội hình của họ và cố gắng áp đảo những khoảng trống bên phần sân của Leicester. Bộ đôi trung vệ Eric García và Nathan Aké rất thường xuyên di chuyển sang phần sân của đối phương để tổ chức tấn công cùng với Fernandinho. Trong khi đó, những cầu thủ tấn công sẽ tìm những khoảng trống ở giữa tuyến phòng ngự của Leicester và thực hiện những tình huống phối hợp ngắn để đưa bóng vào vòng cấm.
Một điều được các cầu thủ Man City thể hiện khá rõ ràng chính là ý đồ kiểm soát khu vực trung tuyến bằng việc khuyến khích cả Mahrez lẫn Foden di chuyển vào trung lộ và đứng gần hai hậu vệ biên của Leicester. Cả hai đều thường xuyên hoạt động trong khu vực biên trong, nhưng đồng thời cũng có thể di chuyển dạt biên để biến bản thân thành một phương án chuyền bóng khả thi ở cả hai biên.
Benjamin Mendy và Kyle Walker thường xuyên dâng cao hơn để hỗ trợ giai đoạn tổ chức tấn công của toàn đội. Mỗi khi họ có bóng, khối phòng ngự của Leicester sẽ buộc phải di chuyển sang hướng bóng và áp đảo khoảng trống trước mặt cầu thủ có bóng. Điều này cho phép họ tấn công sang cánh đối diện nếu họ có thể đưa bóng sang khu vực đó theo một cách nhanh nhất có thể, và họ đã thực hiện điều đó khá nhiều lần trong trận đấu.

Vị trí trung bình của các cầu thủ Man City khi có bóng cũng cho thấy điều tương tự khi mà đa số các cầu thủ đều có vị trí trung bình ở khu vực giữa sân và thường xuyên liên kết với nhau ở khu vực nói trên. Các cầu thủ tấn công cũng thường xuyên đứng ở trong 1/3 sân của Leicester nhưng vẫn giữ một khoảng cách ngắn để có thể nhận những đường chuyền ngắn từ đồng đội của mình.

Nhưng cho dù sở hữu đến 72% thời lượng kiểm soát bóng và thực hiện đến tổng cộng 680 đường chuyền, Man City vẫn không thể ghi nổi một bàn thắng từ những tình huống bóng sống và phải dựa vào những tình huống đá phạt để tìm cơ hội ghi bàn. Man City thực hiện tổng cộng 16 cú sút nhưng hầu hết trong số đó đều là những cú sút xa từ ngoài vòng cấm và được gán giá trị bàn thắng kì vọng (xG) tương đối thấp.
Bởi khối phòng ngự của Leicester lùi khá sâu và tỏ ra rất bướng bỉnh khi họ không có bóng, Man City gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa bóng vào vòng cấm cho dù họ đã phải dựa vào những tình huống phối hợp nhỏ giữa hai tuyến phòng ngự của Leicester. Điều này khiến cho các cầu thủ Man City tỏ ra khá bực bội và họ buộc phải tìm đến những cú sút xa để hi vọng tìm được một phương án để gây khó khăn cho hàng phòng ngự của Leicester và Kasper Schmeichel.

Thế nhưng họ lại tỏ ra cực kì hiệu quả trong những tình huống bóng chết, đặc biệt là phạt góc. Bên cạnh hai tình huống dẫn đến hai bàn thắng của Mahrez và Aké, Man City cũng có được hai tình huống đá phạt mà bộ đôi tiền vệ trụ Fernandinho và Rodri đã đến rất gần trong việc tìm được bàn thắng, với tình huống của Rodri bị từ chối vì anh đã việt vị.
Bàn thắng của Mahrez ở những phút đầu tiên của trận đấu là kết quả của một tình huống dàn xếp đá phạt góc cực kì thông minh và hiệu quả của Man City. Như tình huống dưới đây, hầu hết những cầu thủ có khả năng không chiến tốt của City đều chọn vị trí đứng ở gần chấm phạt đền và cố gắng đẩy 3 cầu thủ Leicester vào vòng 6m50. Quả bóng được đưa đến khu vực cột gần với ý đồ sẽ để những cầu thủ xâm nhập trễ vào vòng 6m50 nhận bóng hoặc Rodri và Sterling, những người đã ở đó, nhận bóng.
Thay vào đó, các cầu thủ Leicester lại phá bóng ra khỏi khu vực đó, nhưng đó vẫn chưa là dấu chấm hết cho tình huống phạt góc này. Khi bắt đầu tình huống, Leicester mắc sai lầm khi sử dụng đến hai cầu thủ kèm khu vực gần chấm đá phạt góc, nhưng Man City lại không rơi vào cái bẫy mà Leicester giăng ra khi mà họ không đưa bất cứ cầu thủ nào đến nhận một đường chuyền ngắn từ cầu thủ đá phạt góc. Điều này đồng nghĩa với việc Leicester thiếu người để theo kèm hai cầu thủ Man City đứng ở rìa vòng cấm và điều đó cho phép Mahrez nhận bóng mà không bị bất cứ ai theo kèm.

Tình huống dẫn đến bàn thắng của Aké khá tương tự với tình huống trên khi mà trung vệ người Hà Lan di chuyển ra khỏi sự kèm cặp của các cầu thủ của Leicester để ghi bàn. Nhưng nó vẫn không đủ để giúp Man City giành lấy ít nhất là 1 điểm từ trận đấu này khi mà chỉ bốn phút sau, Tielemans hoàn tất một ngày thi đấu thăng hoa của Leicester và đem cả 3 điểm về sân King Power.
Leicester và ý đồ phản công với quân số
Leicester nhập cuộc trận đấu này với tư cách là đội bóng yếu thế hơn và họ kết thúc trận đấu mà vẫn bị áp đảo về mặt thông số. Họ chỉ tung ra tổng cộng 7 cú sút và chỉ sở hữu 28% thời lượng kiểm soát bóng, nhưng họ lại có được 5 bàn thắng từ cả 7 cú sút trúng đích. Họ đồng thời cũng khiến cho các hậu vệ của Man City phải trải qua một ngày thi đấu vất vả và mắc phải ba tình huống phạm lỗi dẫn đến ba quả phạt đền. Vậy, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để một đội bóng lùi sâu phòng ngự trong hầu hết khoảng thời gian của trận đấu lại có thể ghi đến 5 bàn trước một đội bóng sở hữu quả bóng nhiều hơn?
Trước nhất, Leicester ra sân với sơ đồ khá lạ lẫm 5-4-1 thay vì sơ đồ 4-1-4-1 mà họ đã dùng trong hai trận đấu trước đây. Điều này cho phép họ sử dụng khối phòng ngự lùi sâu với lợi thế quân số ngay bên phần sân của họ và sở hữu hầu hết những khoảng trống ở giữa các tuyến phòng ngự và phía sau lưng các hậu vệ. Trong trận đấu, các trung vệ của Man City đôi lúc gặp khó khăn trong việc liên kết với các tiền vệ và các cầu thủ tấn công bởi Mendy và Tielemans đã khóa chặt những tuyến chuyền bóng hướng về khối phòng ngự của Leicester.
Khó khăn này lại chồng chất thêm khó khăn khác khi mà Rodgers đã chỉ đạo Vardy theo kèm Rodri mỗi khi City tổ chức tấn công từ tuyến hậu vệ. Điều này khiến cho đội chủ nhà không thể đưa bóng vào trung lộ khi mà không có bất cứ cầu thủ nào trở thành cầu thủ trung gian nhận bóng và liên kết các hậu vệ với các cầu thủ tấn công phía trên. Họ buộc phải đưa bóng ra hai biên, nhưng khối phòng ngự của Leicester luôn có thể dạt sang hướng bóng và áp đảo khu vực đó trước khi các cầu thủ Man City có thể thực hiện một đợt tấn công.

Hầu hết những tình huống cắt bóng của họ đều được thực hiện trong hoặc ở rìa vòng cấm, qua đó cho thấy được ý đồ phòng ngự lùi sâu của Leicester. Một điều đáng chú ý khác ở biểu đồ dưới đây chính là việc Man City có thiên hướng tấn công vào hướng cánh trái của Leicester, bởi Justin là cầu thủ thực hiện nhiều tình huống cắt bóng nhất và hầu hết trong số đó đều được thực hiện ở biên ngoài hoặc biên trong trái.

Ở giai đoạn tấn công, Leicester thường dựa vào những tình huống phản công để đưa bóng vào 1/3 phần sân của Man City bởi họ ít khi làm được điều này trong những pha bóng sống. Khi đội chủ nhà không có bóng, họ thường xuyên dâng cao để áp sát đối thủ ngay trong 1/3 phần sân phòng ngự của họ và cố gắng giành lại quả bóng sớm nhất và ở vị trí gần khung thành đối phương nhất có thể. Hơn nữa, như ảnh dưới đây thể hiện, Man City thường áp đảo khu vực trung tuyến và khóa chặt những tuyến chuyền bóng ở cùng khu vực.
Leicester biết được điều này và cũng là lí do vì sao Schmeichel lại thường xuyên đưa bóng đến vị trí của Justin nhiều hơn bất kì vị trí nào khác (trừ hai trung vệ). Họ cũng thay đổi đội hình về sơ đồ 4-1-4-1 quen thuộc khi mà bộ đôi hậu vệ cánh và tiền vệ cánh đều chọn vị trí đứng gần sát đường biên ngang với ý đồ kéo giãn khối áp sát của Man City, và đồng thời tạo tình huống 2v1 với Mendy hoặc Walker.
Cả Justin và Castagne đều là những hậu vệ cánh ưa dâng cao và họ đều có khả năng chồng biên tốt với tốc độ của mình. Điều này cho phép Leicester phản công với quân số đủ tốt và tận dụng lợi thế quân số bên phần sân của Man City. Thế nhưng, quyết định sử dụng Harvey Barnes ở bên cánh trái, nhưng lại không lựa chọn Ayozé Pérez bên cánh phải, cũng rất đáng chú ý khi mà cả hai cầu thủ đều có lối chơi có phần tương đồng nhau.

Đây là một quyết định đúng, và nó được thể hiện trong tình huống phía dưới. Rodgers biết rằng Castagne đủ khả năng để thoát khỏi sự kèm cặp của Mendy bằng tốc độ của mình và nếu ông sử dụng Praet ở cánh phải để kéo Mendy hoặc Aké ra khỏi vị trí của họ (trong trường hợp dưới là Aké), điều đó sẽ mở ra một tình huống 3v3 khi mà Castagne sẽ phối hợp với Vardy và Barnes để đẩy 3 hậu vệ của City về phần sân nhà. Nếu Justin có thể dâng cao cùng với ba cầu thủ kể trên, nó sẽ tạo ra tình huống 4v3 và Leicester lại là người có lợi hơn cả về quân số lẫn tốc độ của pha phản công.
Khi Man City dâng cao để áp sát, họ sẽ có lợi thế quân số bên phần sân của Leicester, nhưng lại không thể có được điều đó bên phần sân của mình. Lyon biết rõ điều này và họ tận dụng vấn đề đó triệt để bằng cách sử dụng những cầu thủ có tốc độ tốt như Maxwel Cornet, Moussa Dembélé hay Memphis Depay để tấn công vào khoảng trống phía sau lưng của García và Aymeric Laporte (bài phân tích về trận thua của City trước Lyon co thể được tìm thấy ở link này).

Bàn thắng thứ hai của Vardy trong trận đấu cũng là một ví dụ khá điển hình cho việc cách chọn vị trí của các cầu thủ giúp Leicester có được lợi thế trước hàng phòng ngự của Man City. Với việc Praet không sở hữu quá nhiều phẩm chất của một tiền vệ cánh thông thường, anh được giao nhiệm vụ giữ Mendy ở vị trí của mình và cho phép Castagne di chuyển vào trung lộ. Khi mà Justin cũng đã khiến cho Aké phải chôn chân ở vị trí của bản thân, cựu cầu thủ của Atalanta đã thoải mái nhận bóng từ Tielemans và thực hiện một đường tạt tầm thấp vào vòng cấm cho Vardy.
Vai trò của tiền đạo người Anh cũng rất quan trọng với Leicester khi mà anh thường xuyên thực hiện những tình huống chạy chỗ ra phía sau lưng hàng hậu vệ của Man City và kéo các hậu vệ của đối phương về gần khung thành của họ hơn, qua đó tạo ra khoảng trống để những người đồng đội của anh có thể di chuyển vào vòng cấm. Trong cả hai tình huống trên và dưới đây, Vardy một lần nữa thể hiện sở thích của anh khi chọn vị trí đứng gần một trung vệ của Man City.
Khi một trong những người đồng đội của anh bắt đầu tình huống phản công, anh lập tức sử dụng tốc độ của mình để vượt qua cầu thủ theo kèm mình và xâm nhập vòng cấm của Man City. Những tình huống di chuyển của anh cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hai tình huống phạt đền đầu tiên mà anh đã tận dụng được bởi cả Walker lẫn García đều bị bỏ lại và buộc phải phạm lỗi trong thế bất lợi hơn.

Kết luận
Rất nhiều người đã dự đoán rằng Manchester City sẽ là đội bóng giành chiến thắng ở cặp đấu này và họ đáng ra đã có thể ghi nhiều hơn hai bàn thắng nếu như không gặp phải một khối phòng ngự kỉ luật như của Leicester. Đây vẫn là một vấn đề nhức nhối với Pep Guardiola khi mà ông vẫn chưa thể tìm ra cách để đánh bại một khối phòng ngự lùi sâu và đồng thời tránh bị những tình huống phản công của đối thủ uy hiếp khung thành của Ederson.
Với Leicester, nhiều người sẽ chỉ trích quyết định nhập cuộc thiếu tự tin của Rodgers bởi họ thường xuyên lùi sâu về phần sân nhà và không thể tổ chức một đợt tấn công bóng sống. Nhưng trận đấu này cho thấy quyết định của Rodgers là hoàn toàn đúng đắn và những quyết định đó chính là yếu tố quyết định để giúp cho Leicester giành trọn 3 điểm và giữ vững chuỗi 3 trận toàn thắng từ đầu mùa.
Bình luận